Nội dung cơ bản của trách nhiệm xã hội đối với doanh nghiệp

12/05/2022 | 10:12:18
Trong xu thế hội nhập phát triển kinh tế như hiện nay thì doanh nghiệp doanh chỉ chú trọng đến phát triển kinh doanh mà còn phải chú trọng đến trách nhiệm xã hội. Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp được xem là một trong những chiến lược kinh doanh hàng đầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước hiện nay liên quan đến vấn đề kinh doanh và các vấn đề xã hội. Vậy định nghĩa trách nhiệm xã hội cũng như nội dung cơ bản của trách nhiệm xã hội là gì? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Trách nhiệm xã hội là gì?

Mấu chốt của trách nhiệm xã hội là việc ban hành các chính sách nhằm giúp cân bằng đạo đức giữa hai nhiệm vụ là vừa mang lại lợi nhuận cho công ty mà vừa mang lại lợi ích cho toàn xã hội.

Trách nhiệm xã hội (Corporate Social Responsibility) được xem là cam kết của doanh nghiệp về việc đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước thông qua ba yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường. Thực hiện trách nhiệm xã hội đang trở thành xu thế ngày càng lớn mạnh của tất cả các nước trên thế giới về tất cả các lĩnh vực. 

Trên cơ sở khái quát đó, thì khái niệm trách nhiệm xã hội được hiểu “là sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua những việc làm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và các thành viên trong gia đình họ; cho cộng đồng và toàn xã hội, theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như phát triển chung của xã hội”.


Lợi ích của việc thực hiện trách nhiệm xã hội 

Hội nhập kinh tế là xu hướng hợp tác vừa phát triển, vừa đấu tranh, vừa mang lại lợi nhưng cũng vừa mang lại không ít thách thức. Khi lợi thế về nguồn nhân công và nguồn tài nguyên phong phú không còn là của riêng Việt Nam nữa thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước ta muốn tham gia những sân chơi lớn hơn buộc phải bổ sung năng lực của mình. Và trách nhiệm xã hội ngoài việc là công cụ đắc lực giúp cho doanh nghiệp chiếm ưu thế trong cạnh tranh thì khi doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội còn mang lại nhiều lợi ích, cụ thể:

- Trách nhiệm xã hội sẽ giúp điều chỉnh hành vi của chủ thể kinh doanh sao cho phù hợp khi doanh nghiệp nhìn vào những áp lực trách nhiệm đối với xã hội, người tiêu dùng thậm chí là người lao động trong chính doanh nghiệp đó.

- Góp phần nâng cao uy tín và phát triển thương hiệu thông qua sự công nhận và đánh giá cao của người tiêu dùng, từ đó doanh nghiệp sẽ có sức ảnh hưởng lan rộng.

- Thu hút đội ngũ lao động có tay nghề, chuyên môn cao nhờ thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình.

- Góp phần giảm chi phí và tăng lợi nhuận cho công ty nhờ sản xuất sạch hơn.

- Về phương diện đóng góp cho quốc gia thì việc thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ giúp nâng cao hình ảnh của quốc gia trên trường quốc tế.


Các tiêu chí hay nội dung cơ bản của trách nhiệm xã hội trong doanh nghiệp

Trên thực tế, chúng ta thường nghĩ việc thực hiện trách nhiệm xã hội là thực hiện các hoạt động mang tính từ thiện, thiện nguyện mà ít khi nghĩ đến các vấn đề khác trong nội hàng hoạt động trách nhiệm xã hội như các vấn đề liên quan đến người lao động, môi trường, chất lượng an toàn sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp…

Nội dung cơ bản của trách nhiệm xã hội doanh nghiệp bao gồm các tiêu chí cụ thể sau:

(1) Trách nhiệm với người tiêu dùng: Thực hiện trách nhiệm đối với người tiêu dùng là đảm bảo an toàn, chất lượng đối với các sản phẩm, dịch vụ cung ứng ra. Đảm bảo sự an toàn cho người tiêu dùng sẽ giúp tăng cường ký kết các hợp đồng kinh tế với đối tác, tăng cường chất lượng hàng hóa để tăng lợi thế cạnh tranh

(2) Trách nhiệm đối với môi trường: Thực hiện trách nhiệm này là đảm bảo cho sự phát triển bền vững cho môi trường, đó là sự cam kết bảo vệ, không có các hành động gây hại cho môi trường như xả thải, tàn phá sinh vật,…

(3) Trách nhiệm đối với người lao động: Dù doanh nghiệp đảm bảo tốt chất lượng sản phẩm dịch vụ, bảo vệ môi trường tốt đến đâu nhưng những người lao động làm việc trong doanh nghiệp phải chịu bất công, điều kiện lao động, an toàn hay vấn đề lương thưởng, chế đội đãi ngộ không đảm bảo thì không thể gọi doanh nghiệp đó thực hiện tốt trách nhiệm xã hội. Do đó, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là phải đảm bảo cải thiện chất lượng cuộc sống cho người lao động, cụ thể là thu nhập đảm bảo nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe người lao động, hỗ trợ người lao động thực hiện tốt hơn luật pháp lao động và đảm bảo về bảo hiểm y tế, xã hội cho họ,…

(4) Trách nhiệm chung với cộng đồng thông qua các hoạt động thiện nguyện, từ thiện.


Trên đây là nội dung cơ bản của trách nhiệm xã hội mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng nên xem xét trong thời đại hội nhập phát triển như hiện nay khi các vấn đề xã hội, môi trường, kinh tế được quan tâm mấu chốt trong sự nghiệp phát triển bền vững. 

Hy vọng những chia sẻ trên đây của BLT.cert sẽ giúp bạn cũng như các doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề thực hiện trách nhiệm xã hội và có cho mình những hướng đi bền vững trong tương lai.

 
Messenger Zalo Return To Top
0916757881