Phát triển con đường kinh doanh "xanh" - kinh doanh bền vững tại Việt Nam

05/05/2022 | 15:52:03
Trong bối cảnh khi biến đổi khí hậu ở tình trạng báo động, gây ra những hệ quả ảnh hưởng trực tiếp đến con người, những biện pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính đã được triển khai .Tiêu chuẩn ISO 14064 được đưa ra như một giải pháp cho doanh nghiệp đối với những lo ngại ngày càng tăng liên quan đến biến đổi khí hậu.

Thực trạng biến đổi khí hậu tại VN

Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của khí hậu được do hoạt động trực tiếp hay gián tiếp của con người làm thay đổi thành phần của khí quyển toàn cầu và gây nên sự biến động khí hậu tự nhiên trong các khoảng thời gian. Biến đổi khí hậu luôn được xem là vấn đề cấp thiết, mang tính toàn cầu bởi những tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội và sức khỏe của con người. 

Việt Nam hiện đang nằm trong top những nước chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến đổi khí hậu. Theo thống kê năm 2018, Việt Nam đứng thứ 5 về Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu và thứ 8 về Chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn. Trong những năm gần đây Việt Nam đã liên tiếp ghi nhận những kỉ lục mới về nhiệt độ và lượng mưa gây ra những hệ lụy khôn lường như: gia tăng mực nước biển, nhiệt độ tăng cao, bão lũ diễn ra thường xuyên, mất mùa, hạn hán, thiên tai,… Theo tổng kết của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, tính từ đầu năm 2021 đến đầu năm 2022 Việt Nam đã xảy ra 8 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, 109 trận động đất nhẹ, 316 trận mưa đá, dông lốc, sét; 140 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó 9 trận lũ ống, lũ quét, 157 vụ sạt lở bờ sông, 7 đợt nắng nóng và 6 đợt không khí lạnh, gió mùa đông bắc. Ước tính giá trị thiệt hại khoảng 1.428 tỷ đồng. 

Không chỉ thiệt hại về của, biến đổi khí hậu còn gây ra những mất mát, đau thương về người. Theo thống kê, tỷ lệ tử vong do thời tiết cực đoan gây nên ở Việt Nam đứng thứ 11 trên  toàn thế giới, gây thiệt hại lên đến 0,6782% GDP của cả nước.

Nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu

Các hoạt động của con người về cơ bản đã làm tăng nồng độ khí nhà kính trong bầu khí quyển của Trái đất, gây ra biến đổi khí hậu. Trong hơn một thế kỷ qua, việc đốt các nhiên liệu hóa thạch như than đá và dầu mỏ đã làm tăng nồng độ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển, nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), phát thải khí CO2 từ ngành năng lượng toàn cầu đã tăng 6% trong năm 2021 lên mức 36,3 tỷ tấn, cao nhất từ trước tới nay. Đây là điều đáng báo động cho thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng về nguy cơ tiềm tàng của biến đổi khí hậu. 

Trước những con số biết nói từ những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, từ năm 2016 đến năm 2020, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thông qua các chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để đạt được cam kết này, cần xem xét chi tiết hơn một số đối tượng sử dụng năng lượng chính trong nền kinh tế, như ngành xây dựng, giao thông vận tải, công nghiệp và nông nghiệp, v.v.

Dấu chân carbon có liên quan đến mọi tổ chức ở bất kỳ quy mô và lĩnh vực nào, đặc biệt là những tổ chức có mức tiêu thụ năng lượng lớn. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã và đang hướng tới việc đặt mức trần phát thải khí nhà kính cho các doanh nghiệp trong nước nhằm đạt được mục tiêu giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở lựa chọn của doanh nghiệp: chủ động giảm phát thải hay phát thải vượt trần rồi mua tín chỉ để bù đắp?

ISO 14064: Giải pháp phát triển kinh doanh xanh cho doanh nghiệp

Ngày càng có nhiều khách hàng quan tâm “hoạt động kinh doanh xanh” của doanh nghiệp để đưa ra quyết định mua hàng sáng suốt. Trong đó, tác động của các sản phẩm và dịch vụ được cung cấp đến môi trường và khí hậu được khách hàng đặc biệt quan tâm . Khi tổ chức có một chiến lược các-bon thấp, thể hiện rõ ràng cam kết giảm thiểu tác động đến môi trường, khí hậu sẽ đạt được những hiệu quả kinh doanh rõ rệt. Để giúp các doanh nghiệp đạt được điều này, các chuyên gia ISO đã thiết kế tiêu chuẩn ISO 14064 - là bổ sung cho loạt tiêu chuẩn quản lý môi trường ISO 14000 được công bố vào năm 2002. 

ISO 14064 quy định các nguyên tắc và yêu cầu đối với việc định lượng và báo cáo lượng phát thải và loại bỏ khí nhà kính (greenhouse gas - GHG). Nó bao gồm các yêu cầu về thiết kế, phát triển, quản lý, báo cáo và xác minh kiểm kê GHG của một tổ chức. Tiêu chuẩn này cho phép tổ chức tham gia vào các kế hoạch giảm thiểu khí thải bằng cách sử dụng một tiêu chuẩn được công nhận trên toàn cầu.

Việc triển khai hệ thống quản lý chất lượng tuân theo ISO 14064 sẽ mang lại kết quả hữu hình cho doanh nghiệp, vượt ra ngoài phạm vi tổ chức về phát thải GHG: 

✓ Xác định các rủi ro và cơ hội liên quan đến GHG. 

✓ Giảm chi phí nhờ sử dụng năng lượng hiệu quả. 

✓ Xây dựng hình ảnh thương hiệu và lòng tin của các bên liên quan và khách hàng.

✓ Làm hài lòng cán bộ nhân viên - những người ngày càng quan tâm đến các vấn đề môi trường.

✓ Nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

✓ Giá trị carbon của hàng hóa và dịch vụ thấp hơn. 

Việc tuân thủ các yêu cầu và luật định của tổ chức là rất quan trọng để duy trì thương hiệu và danh tiếng của doanh nghiệp. Do đó, có một hệ thống quản lý chất lượng cho phép doanh nghiệp chịu trách nhiệm về lượng phát thải GHG của mình là tiêu chuẩn cho hoạt động chất lượng của chính doanh nghiệp. Bằng việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 14064, doanh nghiệp đang chung tay đóng góp vào hoạt động bảo vệ môi trường và không gian sống xanh của con người. 

 
Messenger Zalo Return To Top
0916757881